Định nghĩa
Là bệnh thường gặp trong các bệnh lý của đĩa đệm, là nguyên nhân chính gây đau thắt lưng.
Bệnh có ảnh hưởng lớn tới đời sống và kinh tế của chính người bệnh và toàn xã hội.
Tỷ lệ mắc khoảng 50-100/100.000 dân, 95% trường hợp đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm
Giải phẫu và chức năng của đĩa đệm
Đĩa đệm nằm trong khoang gian đốt bao gồm nhân đĩa đệm nằm giữa, mâm sụn và vòng sợi bao bọc ở ngoài, được giữ cố định bởi dây chằng dọc trước và dọc sau.
Trong điều kiện bình thường, không những đĩa đệm đáp ứng được những yêu cầu của vận động cột sống, chịu lực nén ép cực đại mà còn tránh không bị tổn thương sớm trước khi thân đốt sống bị đe dọa gãy hoặc bị vỡ.
Chính nó đã được điều vận một cách linh hoạt hai đặc tính vừa thích nghi, vừa đề kháng để tạo nên sức chống đỡ cho thân đốt sống trước những tác động của chấn thương.
Sinh bệnh học thoát vị đĩa đệm
Chức năng của đĩa đệm CSTL là phải thích nghi với họat động cơ học lớn, chịu áp lực cao thường xuyên, trong khi đĩa đệm lại là mô được nuôi dưỡng kém do được cấp máu chủ yếu bằng thẩm thấu. Chính vì vậy các đĩa đệm thắt lưng sớm bị loạn dưỡng và thoái hóa tổ chức, thường bắt đầu từ tuổi 20.
Đĩa đệm thoái hóa đã hình thành một tình trạng sẵn sàng bị bệnh. Sau một tác động đột ngột của các động tác sai tư thế (hình vẽ), một chấn thương bất kỳ đã có thể gây đứt rách vòng sợi đĩa đệm, nhân nhầy chuyển dịch ra khỏi ranh giới giải phẫu của nó, hình thành.

Điều kiện gây thoát vị đĩa đệm là
• Áp lực trọng tải cao
• Áp lực căng phồng của tổ chức đĩa đệm cao.
• Sự lỏng lẻo từng phần với sự tan rã của tổ chức đĩa đệm
• Lực đẩy và lực cắt xén do các vận động cột sống, đĩa đệm quá mức (xoắn vặn, dồn dập, nén ép) (hình vẽ).
• Hiện tượng thoái hoá cột sống trong đó có thoái hoá đĩa đệm và thoái hoá dây chằng.
Phân loại mức độ thoát vị và thái độ xử trí
Thoái vị thường ở vị trí ngang với khoang gian đốt, phổ biến ở hai đốt sống cuối của thắt lưng.
3 dạng thoát vị đĩa đệm chính:
• Lồi đĩa đệm đơn thuần
• Thoát vị đĩa đệm chưa làm rách dây chằng và
• Thoát vị đĩa đệm dưới dây chằng chui vào ống sống qua chỗ rách của dây chằng.
• Ngoài ra còn Thoát vị đĩa đệm trung tâm, lệch bên, bên xa hoặc thoát vị trong lỗ tiếp hợp
Lâm sàng
− Đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa, đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân.
Tùy theo vị trí tổn thương mà biểu hiện trên lâm sàng có khác nhau: Tổn thương rễ L4 đau đến khoeo chân; tổn thương rễ L5 đau lan tới mu bàn chân tận hết ở ngón chân cái (ngón I); tổn thương rễ L5 đau lan tới lòng bàn chân (gan chân) tận hết ở ngón V (ngón út). Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân.
− Đau có thể liên tục hoặc từng cơn, giảm khi nằm nghỉ ngơi, tăng khi đi lại nhiều. Trường hợp có hội chứng chèn ép: tăng khi ho, rặn, hắt hơi. Có thể có triệu chứng yếu cơ. Giai đoạn muộn có teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế vận động, co cứng cơ cạnh cột sống.
Một số nghiệm pháp
+ Hệ thống điểm đau Valleix, dấu chuông bấm dương tính.
+ Dấu hiệu Lasègue dương tính.
+ Các dấu hiệu khác có giá trị tương đương dấu hiệu Lasègue: dấu hiệu Chavany, dấu hiệu Bonnet.
+ Phản xạ gân xương: Phản xạ gân bánh chè giảm hoặc mất trong tổn thương rễ L4, phản xạ gân gót giảm hoặc mất trong tổn thương rễ S1
Điều trị thuốc
+ Thuốc giảm đau.
+ Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
• Trong trường hợp đau nhiều có thể cần phải dùng đến các chế phẩm thuốc phiện như morphin.
+ Thuốc giãn cơ
+ Các thuốc khác: khi bệnh nhân có đau nhiều, đau mạn tính, có thể sử dụng phối hợp với các thuốc giảm đau thần kinh như:
• Gabapentin
• Pregabalin:
• Các thuốc khác: các vitamin nhóm B hoặc Mecobalamin.
+ Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng: giảm đau do rễ trong bệnh thần kinh tọa, có thể tiêm dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng hoặc CT.
Vật lý trị liệu
− Mát xa liệu pháp.
− Thể dục trị liệu: những bài tập kéo giãn cột sống, xà đơn treo người nhẹ. Bơi, một số bài tập cơ lưng giúp tăng cường sức mạnh cột sống. − Đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống.
Các thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu
− Các thủ thuật điều trị can thiệp tối thiểu: sử dụng sóng cao tần (tạo hình nhân đĩa đệm). Mục đích là lấy bỏ hoặc làm tiêu tổ chức từ vùng trung tâm đĩa đệm để làm giảm áp lực chèn ép của đĩa đệm bị thoát vị đối với rễ thần kinh.
− Chỉ định: những thoát vị đĩa đệm dưới dây chằng, tức là chưa qua dây chằng dọc sau.